(Bài viết hướng dẫn cách phân tích để có một bài viết hay)
Trước hết, phải tự thú ngay rằng tôi là một kẻ “vô học” trong lĩnh vực viết lách. Tức là không được học hành bài bản, không được đào tạo chính quy. Cho nên, các bậc tiền bối, các chuyên gia xin đừng mang kiến thức trường lớp, sách vở ra để comment bắt bẻ tôi tội nghiệp!
Sau nữa, những gì tôi chia sẻ hoàn toàn không mang tính quy luật, không bắt buộc mọi người phải tuân theo, càng không phải là cách thức duy nhất để có được những bài viết được coi là hay, là tốt.
Tôi chỉ cố gắng hình tượng hóa những suy nghĩ diễn ra trong đầu, cũng như các bước mà tôi thực hiện. Trên tinh thần đó, tôi sẽ “mổ óc” mình ra, dẫn dắt các bạn từng bước từng bước, khám phá bí ẩn, ngóc ngách của vấn đề để tiếp nhận nó như một bài tham khảo rồi tùy nghi biến hóa, áp dụng trong thực tế.
Hãy yên tâm, vì tôi vốn là một thằng “đầu đất” nên các bạn dẫm lên đó chạy đi chạy lại cũng dễ dàng đơn giản, không có gì vất vả lắm đâu.
***
Tất cả mọi người đang chuyển hướng từ miền Trung về Hà Nội, để hồi hộp theo dõi thông tin về một việc đang làm rúng động ngành Y Tế và thách thức mọi quy chuẩn đạo đức trong xã hội. Đó là vụ án bác sĩ mang bệnh nhân vứt xuống sông Hồng sau ca phẫu thuật thẩm mĩ bị tử vong.
Mọi người đang trông ngóng, chầu trực, theo dõi, bàn tán, bình luận… về vụ án này. Nếu tôi viết về nó, chắc chắn mọi người sẽ quan tâm. Nhưng tôi sẽ phải làm gì để “join the conversation” (tham gia vào các cuộc hội thoại này) một cách độc đáo và khác biệt?
Đầu tiên, tôi phải chắc chắn rằng mình đã có một cái nhìn bao quát, toàn cảnh về vụ án. Đây là bước TỔNG HỢP THÔNG TIN, hay giang hồ quen gọi là hóng hớt và la liếm.
Kỹ năng cần thiết cho bước này là xác định nguồn tin, tìm kiếm thông tin, phát hiện bóc tách chi tiết và ghi nhớ (hoặc nhiều quá thì ghi chú).
Sau khi đọc hết hàng chục bài báo, hàng trăm comment, hàng chục trang topic diễn đàn… tôi “bóc tách” được một số vấn đề “đáng chú ý” như sau:
1- Tờ Dân Việt đăng tên đầy đủ 2 người con của nạn nhân
2- Một số báo đăng hình nạn nhân có ca-rô che mặt, một số báo khác thì không
3- Tờ Tuổi Trẻ nói rằng cách TMV này 200m cũng có TMV khác từng làm chết người và đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành Y Tế
4- Một số comment trên các diễn đàn và facebook cáo buộc tờ Dân Trí từng đăng bài quảng cáo trá hình cho TMV ác quỷ này
5- Tờ Người Đưa Tin nói TMV này chưa được cấp phép và trang web của họ không truy cập được
6- Một số báo bắt đầu đăng hình 2 người kèm ghi chú là “công an mật” có ca-rô che mặt, một số báo khác thì không
7- Một comment trên facebook của một nhà báo nói rằng “khổ thân em ấy, là em của đồng nghiệp mình”
8- Hình nạn nhân được “ký họa” trên báo có vẻ quen quen, hình như tôi đã nhìn thấy ai share đó trên facebook vài ngày trước
9- Các báo tường thuật đồng phạm là bảo vệ công ty mới 17 tuổi, đã đồng ý tiếp tay cho giám đốc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng vì được hứa tăng lương
10- Một số báo dắt lời người nhà nạn nhân nói “Chúng tôi mong cơ quan cảnh sát điều tra sớm đưa những người đã ném xác chị tôi truy tố trước pháp luật”
Ghi ra cho các bạn thấy thì cụ thể thế này chứ khi thực hiện, tôi đọc nhanh lắm, và “bóc tách” thông tin cũng nhanh không kém. Tôi thậm chí cũng không ghi chú lại mà chỉ lưu trữ tạm trong đầu và tiến hành qua bước 2 ngay.
Đó là, CHẮT LỌC VÀ LƯỢNG GIÁ THÔNG TIN. Đây là bước quan trọng nhất để quyết định xem chi tiết nào sẽ được “móc” ra thành vấn đề chính yếu. Để làm được việc này, cần trang bị kiến thức xã hội. Tôi không biết dùng từ đó có đúng không, nhưng nói tóm lại là ai có kiến thức bao quát về các vấn đề xã hội hơn, người đó sẽ lượng giá thông tin tốt hơn.
Theo đó, 10 vấn đề ở bước 1 được lượng giá như sau:
1- Tờ Dân Việt đăng tên đầy đủ 2 người con của nạn nhân => Có vi phạm quyền riêng tư hay không? Có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các cháu hay không?
2- Một số báo đăng hình nạn nhân có ca-rô che mặt, một số báo khác thì không => Giống vấn đề số 1
3- Tờ Tuổi Trẻ nói rằng cách TMV này 200m cũng có TMV khác từng làm chết người và đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành Y Tế => Bằng sự “nhạy cảm”, tôi để ý tên tác giả và thấy ký “Lan Anh”. Liên hệ lại “lịch sử”, tôi nhớ đây là bút danh một phóng viên chuyên theo dõi mảng Y Tế đã từng bị bắt của Tuổi Trẻ vì “có công” khui ra nhiều vụ tiêu cực của ngành Y Tế. Tôi tự hỏi, liệu có thiên kiến cá nhân trong các bài viết hay không? Nhưng rồi gạt đi ngay, vì đúng là ngành Y Tế của Việt Nam đang quá tệ.
4- Một số comment trên các diễn đàn và facebook cáo buộc tờ Dân Trí từng đăng bài quảng cáo trá hình cho TMV ác quỷ này => Dùng Google tìm lại bài viết về “Thẩm mĩ viện Cát Tường” trên trang Dân Trí và chụp hình lại, vì tôi nghĩ báo này sẽ nhanh chóng “thủ tiêu chứng cớ”.
5- Tờ Người Đưa Tin nói TMV này chưa được cấp phép và trang web của họ không truy cập được => Tôi nghĩ, liệu có đặt ra trách nhiệm của Cơ quan quản lý trong vấn đề cấp giấy phép cho các trang website tương tự? Nhưng tôi quyết định không viết, vì blog của tôi cũng không có giấy phép.
6- Một số báo bắt đầu đăng hình 2 người kèm ghi chú là “công an mật” có ca-rô che mặt, một số báo khác thì không => Liệu cách tác nghiệp như vậy có làm ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của các anh công an hay không?
7- Một comment trên facebook của một nhà báo nói rằng “khổ thân em ấy, là em của đồng nghiệp mình” => Liệu đây có phải là lý do khiến vấn đề trở nên um xùm trên đồng loạt các tờ báo lớn? Nhưng tôi cũng gạt đi ngay, vì bản chất sự việc này quá khủng khiếp chứ không cần quan hệ.
8- Hình nạn nhân được “ký họa” trên báo có vẻ quen quen, hình như tôi đã nhìn thấy ai share đó trên facebook vài ngày trước => Tôi chủ ý tìm lại để lần ra trang facebook của người nhà nạn nhân, xem có hóng hớt thêm được điều gì không?
9- Các báo tường thuật đồng phạm là bảo vệ công ty mới 17 tuổi, đã đồng ý tiếp tay cho giám đốc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng vì được hứa tăng lương => Có nên viết về việc cái nghèo cái khổ đã khiến con người ta nhắm mắt làm liều?
10- Một số báo dắt lời người nhà nạn nhân nói “Chúng tôi mong cơ quan cảnh sát điều tra sớm đưa những người đã ném xác chị tôi truy tố trước pháp luật” => Dư luận đang hy vọng người nhà sớm tìm ra xác nạn nhân để tiến hành giám định pháp y xem chị này còn sống hay đã chết trước khi bị ném xuống sông Hồng. Người nhà phát biểu thế này, khác nào mặc nhiên nói rằng nạn nhân đã chết, như vậy không thể quy kết bác sĩ tội giết người. Có nên viết về việc “hỗn loạn thông tin” về “cái chết” của nạn nhân trên các báo?
Bước thứ 3, tôi phải QUYẾT ĐỊNH XEM MÌNH NÊN KHAI THÁC VẤN ĐỀ NÀO với chắc chắn rằng nó đủ lớn để viết thàng bài, đủ giá trị để bạn bè trên facebook quan tâm và đủ khác biệt để không “đụng” với hàng trăm bài viết trên các báo?
Các vấn đề số 1, 2, 3, 5, 6, 8, 9, 10 bị loại vì không hội đủ các yếu tố đã nói ở phía trên. Chỉ còn lại 2 vấn đề số 4 và số 7, đó là vấn đề số 4 – có hay không việc các trang báo lớn tiếp tay cho TMV này quảng cáo các dịch vụ thẩm mĩ chui? Và vấn đề số 7 – chi tiết người nhà nạn nhân cũng là nhà báo có ảnh hưởng thế nào đến tính công tâm trong vụ án này?
Tiếp theo, bằng mối quan hệ cá nhân, tôi xác minh được em dâu của chị này đúng là có đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng chỉ làm ở bộ phận kế toán chứ không trực tiếp sản xuất tin bài. Một số “đồng nghiệp” của VOV có hỗ trợ đưa tin “Tìm người nhà thất lạc” trên VOVTV và VOV Giao Thông. Tuy nhiên về tổng thể, chi tiết này không triển khai thành bài được.
Như vậy, vấn đề được chọn là “Có hay không việc các trang báo đã tiếp tay quảng cáo trá hình cho TMV không được cấp phép này?”. Nếu câu trả lời là có, rõ ràng họ đã gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, và có thể sẽ là nhiều người khác nữa.
Qua đến bước thứ 4 là PHÁT TRIỂN THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU ĐỂ VIẾT BÀI. Bằng cách tìm kiếm trên Google và Waybackmachine, không khó để tìm ra những bài viết PR của TMV ác quỷ này trên tờ Dân Trí. Đặc biệt, là một series bài viết trên tờ VnExpress cũng như hệ thống các báo liên quan như ngoisao.net, iOne… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả các bài viết này đã được xóa sạch, thậm chí cả các tag (từ khóa) liên quan cũng không còn tồn tại trên hệ thống. Có một chi tiết nếu để ý kỹ sẽ nhận ra, đó là các bài viết về TMV Cát Tường đổ về dồn dập trên VnExpress đã “vô tình” không được gắn tag “Thẩm mĩ viện Cát Tường” ở phía dưới. Đây là một việc làm khá lạ, và không tự nhiên cho lắm.
Tôi quyết định chủ đề mà mình sẽ viết là “Đâu chỉ có giám đốc TMV Cát Tường muốn phi tang chứng cứ”.
Qua đó, nêu rõ việc các tờ báo hàng đầu Việt Nam, chỉ vì lợi ích trước mắt, chạy theo đồng tiền mà bỏ qua các quy trình, quy tắc, các quy định của pháp luật về quảng cáo. Sẵn sàng ký hợp đồng (đoán là khá lớn) để đăng các bài PR cho TMV hoạt động chui này. Và đặt ra câu hỏi, nạn nhân trong vụ án này tiếp nhận và tin tưởng thông tin từ nguồn nào trước khi quyết định đi thẩm mĩ và mất mạng?
Hành động vị bác sĩ ở TMV xúi giục nhân viên bảo vệ vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng có giống như hành động mà TBT các báo VnExpress, Dân Trí chỉ đạo đội ngũ kỹ thuật gỡ đi các bài quảng cáo tai hại? Đạo đức các vị này liệu có giống nhau không mà bây giờ đăng bài chửi người ta kịch liệt không xấu hổ?
Bước thứ 5 là ĐÁNH GIÁ HẬU QUẢ CỦA BÀI VIẾT gây ra – nếu có.
Tìm kiếm thử trên 2 tờ báo lớn nhất là Thanh Niên và Tuổi Trẻ, tôi chưa phát hiện thấy các bài PR “trá hình” tương tự như ở VnExpress và Dân Trí (hiện đã xóa sạch). Như vậy, trong trường hợp xấu nhất mà bài viết của tôi được mọi người ủng hộ, thì hậu quả có thể nhìn thấy ngay là bị mất quan hệ với các bạn phóng viên, đồng thời tự biến mình thành “kẻ thù” của VnExpress cũng như Dân Trí.
Liệu các báo này có tìm cách đánh hội đồng mình không? Nếu mình chấp nhận bị đánh hội đồng để lên tiếng, thì các báo lớn khác như Thanh Niên, Tuổi Trẻ có sẵn sàng lên tiếp cộng hưởng để đưa vấn đề quảng cáo chui này lên mặt báo hay không? Nếu mình vì nể, sợ mà không nói, có phản bội chính bản thân mình và nguyên tắc tell-the-truth mà mình quyết tâm thực hiện bằng mọi giá hay không?
(Còn tiếp…)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – October 23, 2013 at 06:40PM)
hay quá anh ạ :D