Please log in or register to do it.

Ở bài học trước, các bạn đã biết cách lên một bản kế hoạch chương trình sơ bộ kết hợp với báo chí và hoa hậu để thực hiện chương trình xã hội, nhằm truyền thông cho sự ra mắt của quán ăn Thái Lặc-Ta-Sặc. Bây giờ chúng ta sẽ học cách viết Thư ngỏ để các “đối tác” này mau chóng nhận lời. Nhưng trước hết, còn một việc quan trọng hơn rất nhiều cần thực hiện, đó là…

Bạn có đoán được không? Hãy nhìn kĩ tấm poster này một lần nữa và suy nghĩ kỹ (đừng ăn gian nhé).

lac-ta-sac

Vâng, vậy là bạn đã đoán ra rồi. Việc quan trọng nhất bây giờ chưa phải là mời báo chí, cũng chẳng phải là gọi điện cho hoa hậu, mà đó là… đặt tên cho chương trình từ thiện của chúng ta!

Có lẽ bạn thấy hơi buồn cười, nhưng kinh nghiệm mười mấy năm làm truyền thông giúp tôi nhận ra điều ấy. Nhiều khi, chương trình của bạn thành hay bại, lại phụ thuộc khá nhiều vào cái tên. Vì vậy, đừng nôn nóng, hãy bình tĩnh, suy nghĩ kỹ và thực hiện việc đặt tên. Ngay bây giờ!

Trả lại tên cho em

Hôm rồi, tôi gặp một người bạn cũ. Tôi hỏi “bạn đi đâu mà vội vàng quá vậy?”. Bạn tôi trả lời “tớ đang đi dạy học sinh, ôn luyện cho em nó đi thi một chương trình kiến thức trên truyền hình có nhiều vòng đấu, nếu chiến thắng thì sẽ được…”.

Thật thiếu chuyên nghiệp và quá dài dòng so với câu “Tớ luyện cho học sinh đi thi Đường lên đỉnh Olympia cậu ạ”.

Tương tự, bạn thấy cuộc thi “Vietnam Got Talents” và “Chương trình thi tìm kiếm tài năng tạp kĩ dành cho người Việt Nam trên sóng truyền hình”, cái nào hấp dẫn và dễ nhớ hơn?

Tự nhiên viết đến đây tôi lại phì cười khi nghĩ đến một người bạn của mình – ca sĩ Hải Yến Idol. Cô này hẳn sẽ ngất xỉu nếu cuộc thi Vietnam Idols được gọi là “Chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho mọi lứa tuổi là những người không chuyên tại Việt Nam”. Vì khi ấy, người ta sẽ phải gọi cô bằng cái tên rất khủng khiếp như hình minh hoạ dưới đây.

hai-yen

Tất nhiên, vì khoá học này không đi sâu vào mặt “thương hiệu” nên tôi không phân tích nhiều về khía cạnh này. Nhưng thực sự, thì cái tên là một phần của việc làm thương hiệu, cho hoạt động mà chúng ta đang lên kế hoạch. Chương trình chưa nhất thiết phải có logo, nhưng cái tên thì cần thiết lắm. Chúng ta cần một cái tên:

(1) Ngắn gọn dễ nhớ, nhưng phải có tính gợi. Đọc lên phải hiểu liền. Hoặc chí ít phải suy ra được đến 70 – 80% nội dung của chương trình. Khó lắm đấy, chẳng dễ một tí tẹo nào đâu nhé.

Lấy thí dụ về cách làm của những người chuyên nghiệp thì hơi… lố! Nhưng thực tế, những cái tên như “The remix” (Hoà âm ánh sáng), “Just the two of us” (Cặp đôi hoàn hảo), “Vietnam Idols” (Thần tượng âm nhạc Việt Nam), “Dancing with the star” (Bước nhảy hoàn vũ)… sao mà nó hay ho đến thế! Chỉ cần đọc tên thôi, đã hiện ngay cái sân khấu với những đặc trưng ra trước mặt. Thật vô cùng hoàn hảo!

Một số chương trình từ thiện, hoạt động xã hội ở Việt Nam cũng có những tên gọi khá “bài bản”, thí dụ như “Đêm trắng – Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Giành lại nụ cười” (mổ hàm ếch), “Nhịp tim” (mổ tim cho trả em nghèo), “Ngôi nhà mơ ước”, “Điều ước thứ 7”, “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Ôm ấp Ninh Kiều” (chương trình quyên góp cho gia đình nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ – made by Nguyễn Ngọc Long luôn đấy)…

(2) Độc đáo và duy nhất. Vì bạn đang sống trong thời đại Internet nên cái tên bạn chọn, cũng sẽ là đường dẫn và tên gọi fanpage, kênh youtube, địa chỉ email, tên miền website và… nhiều loại tài khoản online khác. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng tên gọi của chương trình có thể được “đồng bộ” với các tài khoản online.

Thí dụ, với chương trình từ thiện của chúng ta, tôi có thể nghĩ đến một cái tên kiểu như… Xem nào, sẽ có chữ “sao hôm” nhé. Vì chúng ta đang chăm sóc các nghệ sĩ (ngôi sao) già (xế chiều). Sao hôm là một lựa chọn không tệ. Vậy chúng ta có thể có “Chương trình Sao hôm lần 1”, “Chương trình Sao hôm trung thu”, “Chương trình Sao Hôm giáng sinh”… Nghe cũng hay ho phết!

Oaaaaa, thật buồn. Vì tôi vừa kiểm tra thấy tên miền saohom.com, saohom.vn đã bị người khác mua từ trước. Nhưng may mắn là, các chương trình từ thiện – hoạt động xã hội lại chuộng tên miền .org và địa chỉ saohom.org vẫn còn khả dụng (cho đến thời điểm bài này được viết). Tất nhiên, nếu quá “cuồng” cái tên Sao Hôm, chúng ta vẫn có thể biến tấu nó đi một chút như là QuySaoHom.org (Quỹ Sao Hôm), ChuongTrinhSaoHom hay TuThienSaoHom… đều được cả!

sao-hom

Việc tiếp theo (trong thực tế) là phải đăng ký domain giữ chỗ, lập các tài khoản Gmail, Facebook, Fanpage, Youtube… để lấy đường dẫn đẹp. Những việc này các bạn tự làm. Còn bây giờ, tôi hoàn thiện poster cho chương trình đã nhé.

Viết tâm… thư ngỏ!

Kính chào hoa hậu Ngọc Diễm

Tôi là Nguyễn Ngọc Long, trưởng ban tổ chức chương trình Sao Hôm – chương trình nấu ăn và giao lưu văn nghệ, chăm sóc các nghệ sĩ tuổi xế chiều tại Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ. Xin kính mời Ngọc Diễm tham gia với vai trò đại sứ. Tôi thành thật cảm ơn.

Mọi chi tiết xin liên hệ Nguyễn Ngọc Long – 0999.113.113

Các bạn thấy Thư ngỏ tôi viết có hay không? Và các bạn có định bắt chước như vậy hay không? Đừng dại mà làm theo nhé!

Hãy viết thư ngỏ có đầy đủ những thông tin theo gợi ý dưới đây

(1) Giới thiệu tên chương trình
(2) Giới thiệu đơn vị/người/nhóm người tổ chức chương trình
(3) Giới thiệu nội dung hoạt động của chương trình, chỉ rõ thời gian địa điểm
(4) Giới thiệu quyền lợi và trách nhiệm dành cho đại sứ
(5) Giới thiệu người giữ vai trò liên lạc

Trong đó, mục số (4) là quan trọng nhất. Thư ngỏ của các bạn có viết trời trăng mây gió gì mà không giúp người nổi tiếng trả lời câu hỏi, tóm lại họ phải làm gì và họ được lợi gì, thì họ sẽ vứt thư ngỏ của bạn vào thùng rác ngay. Luôn và ngay ấy!

Vì thế, bước đầu tiên là hãy ngồi xuống và suy nghĩ về những việc bạn muốn họ làm, càng chi tiết càng tốt, và những quyền lợi mà bạn có thể mang về cho họ (thực ra quyền lợi thì chỉ đơn giản là lên báo, càng nhiều càng tốt).

Quên nữa, tôi có câu chuyện cười này hay lắm (mà thực ra nó cũ mèm, có thể bạn cũng đã đọc rồi), tôi kể lại cho bạn hiểu cách làm:

“Một ông bố nói với con trai: “Con à, ta muốn con cưới cô vợ theo ý của ta”.

– Nhưng con muốn chọn vợ theo ý mình.

– Nhưng cô gái này là con của Bill Gates.

– Ồ! Nếu thế… con đồng ý.

Sau đó, ông bố đi gặp Bill Gates:

– Tôi đã ngấp nghé một chàng rể cho ông rồi.

– Nhưng con gái tôi còn quá nhỏ, chưa thể nghĩ đến chuyện chồng con được.

– Nhưng cậu trai trẻ này là Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới đó.

– Vậy à! Vụ này nghe được quá.

Cuối cùng, ông bố đến gặp Chủ tịch Ngân hàng thế giới:

– Tôi sẽ tiến cử cho ông một chàng trai xuất sắc vào ghế phó chủ tịch.

– Nhưng hiện tại tôi đã có quá nhiều phó chủ tịch rồi.

– Chàng trai trẻ này là con rể tương lai của Bill Gates đấy.

– Vậy ok!”

Với chương trình Sao Hôm – nấu ăn và thăm hỏi, tôi gợi ý các bạn có thể đề nghị người nổi tiếng làm cho bạn (trách nhiệm) những việc như sau:

(1) Tham gia nấu ăn (hoặc phụ nấu nếu không rành, không rảnh) trong vòng 15 phút. Hãy nói với họ rằng nếu anh chị bận, bọn em sẽ nấu sẵn, anh chị chỉ cần gọt một củ khoai thôi cũng được.
(2) Mang các phần quà (đã được bọn em gói sẵn) trao cho các cụ nghệ sĩ và cầm tay, ôm họ, hỏi thăm họ cho họ vui là được.

Chú ý, đừng bắt họ đổi avatar, cover, đăng quảng cáo lên facebook… Đừng dại mà làm như thế! Cứ lo làm chương trình cho tốt, mọi việc khác họ sẽ tự làm nếu thích.

Đổi lại, bạn cho họ biết họ nhận được những quyền lợi như sau (cách làm giống hệt như ông bố trong câu chuyện cười mà chúng ta vừa kể)

(1) Được đăng 5 bài phỏng vấn về hoạt động này (nói thầm: cứ hứa đi, từ từ mình kiếm báo đăng. Việt Nam có gần 1000 tờ báo, kiếm 5 báo đăng, mà lại đăng về hoa hậu thì dễ vô cùng, đừng sợ nhé)

(2) Được nói rõ là Đại sứ thiện chí của chương trình trong thông cáo báo chí gửi tới 50 cơ quan thông tấn báo chí (nói thầm: các bạn chỉ lo gửi thôi, còn đăng hay không thì ai mà biết, chuyện đó tính sau)

(3) Được quảng bá hình ảnh, tên tuổi liên tục trên hệ thống fanpage bảo trợ của chương trình với 2 triệu người dùng trên facebook (nói thầm: cứ hứa đi, hứa cho hoa hậu mát lòng đồng ý đã, khi có sự đồng ý của nàng rồi thì đi dụ mấy lão admin fanpage dễ ợt đó mà. Pi, đừng sợ)

Với chú ý rằng, Quyền lợi luôn phải nhiều hơn trách nhiệm; và Quyền lợi luôn phải được đặt xuống dưới trách nhiệm (đố bạn, tại sao lại thế?).

Vậy là bạn đã có trong tay vũ khí chiến lược quan trọng nhất là “Quyền lợi và trách nhiệm”. Bây giờ, hãy thử bắt tay vào viết một bức “Thư ngỏ” gửi người nổi tiếng và thả xuống dưới comment bài viết này cho tôi coi thử nhé http://goo.gl/TtSgqQ

Bạn có 5 ngày để suy nghĩ, viết thử và ra thành phẩm. Đến ngày 8/3, tôi sẽ đưa ra mẫu thư ngỏ cho các bạn tham khảo để làm theo. Một lần nữa, tôi phải nhấn mạnh rằng đừng đọc/học cho vui. Hãy làm thử nhé. Thậm chí là nếu cần thiết, hãy viết đi viết lại vài lần vài mẫu thì càng tốt. Trăm hay không bằng tay quen đâu các bạn. Chúc các bạn học và hành thật tốt.

Hẹn cả nhà vào bài học tới.

Lương 3 triệu/tháng, làm giàu cách nào?
Thánh kiệu hiển linh đâm vỡ kính ô tô của người dân?!!

Your email address will not be published. Required fields are marked *