Bước đầu tiên để có thể làm truyền thông với chi phí 0đ bằng phương pháp 4 bên cùng thắng, đó là… hiểu rõ nó! Vậy ở bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu gốc rễ của phương pháp này các bạn nhé.
Hình dung trong thực tế, bạn có một doanh nghiệp (hoặc bạn đang làm trong một doanh nghiệp bất kì), tạm gọi là X. Doanh nghiệp X cần truyền thông quảng bá thương hiệu, vậy chúng ta có đối tượng đầu tiên cần tham gia vào mô hình này là X. Hay nói một cách khác, X là “bên số 1” trong phương pháp kết hợp 4 bên.
Theo một cách thông dụng nhất, để truyền thông cho X, bạn sẽ làm thế nào?
- Lập fanpage “Công ty X” và tự sướng theo kiểu “Doanh nghiệp chúng tôi là số một, blah blah…”
- Tạo profile cá nhân trên twitter, linkined hay facebook rồi ca ngợi theo kiểu “Tôi thấy doanh nghiệp X thật tuyệt vời”.
- Nhờ bạn bè nói tốt về X trên facebook cá nhân hoặc fanpage của họ
- Lập các topic trên nhiều diễn đàn để ca ngợi X
- Nhờ một fanpage/group uy tín nào đó đăng bài ca ngợi X
- Nhờ báo chí, truyền hình, radio đăng bài ca ngợi X
- … cách khác
Nói chung, cách 1-2-3-4 thì đơn giản, dễ dàng và miễn phí. Tất nhiên, nó không hiệu quả! Cách số 5, 6 hiệu quả hơn vì mức độ uy tín của nguồn phát cao hơn (đài báo mà, dân ta tin lắm), và tiếp cận được số đông khách hàng tiềm năng hơn (một trang báo điện tử “vớ vẩn” thì cũng có cả vạn đọc giả, còn lên TV thì cả triệu người biết đến). Nhưng, muốn báo đăng đâu dễ!
Chúng ta hãy khoan bàn sâu vào việc làm sao để báo đăng nha các bạn. Mà ngay khúc này, tôi muốn ngắt một chút để nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp X muốn được tờ báo Y viết bài giới thiệu (hay ca ngợi), thì tờ báo Y chính là “bên số 2” trong mô hình mà chúng ta đang nghiên cứu.
Mô hình Doanh nghiệp X và tờ báo Y là mô hình có sự tham gia của 2 bên. Bây giờ, làm sao để tờ báo Y đăng bài giới thiệu doanh nghiệp X? Câu trả lời rất đơn giản, nhưng không như bạn đang nghĩ đâu. Đán án X phải trả tiền cho Y là một đáp án sai!
Doanh nghiệp không cần phải trả tiền cho báo chí để được “lên bài”, và báo chí cũng không phải cứ “được doanh nghiệp trả tiền” thì trở thành “tay sai” để ca ngợi doanh nghiệp vô tội vạ (cái cách mà người trong nghề như tôi thường nói vui rằng “Dạo này báo Y cứ như là voice-of-doanh-nghiệp-X vậy chúng mày nhỉ”).
Cần một câu chuyện đủ hay
Nếu đã từng học bất cứ khoá học nào của Truyền thông Trăng Đen, hay tham gia các buổi offline (gần nhất là 2 talkshow ZeroME TV0đ với Biên tập viên Ngọc Trinh của Chuyển động 24h), thậm chí chỉ cần tích cực đọc bài viết trên blog nguyenngoclong.com hoặc facebook Nguyễn Ngọc Long, các bạn đều biết rằng, doanh nghiệp (hay sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp) sẽ được “nhoi” lên báo khi họ có một câu chuyện đủ hay ho, hấp dẫn, độc đáo và giá trị.
Một câu chuyện như thế nào thì được coi là “hay ho, hấp dẫn, độc đáo và giá trị”? Quá đơn giản, câu chuyện ấy chỉ cần có một trong 16 concept Truyền thông bất biến (có nhiều càng tốt). Nếu tự thân câu chuyện không có, thì người làm truyền thông phải tạo ra cho thành có! Và nguyên lý của phương pháp 4 bên cùng thắng là như vậy. Câu chuyện chỉ có X và Y chưa có gì hấp dẫn, thì phải “vời” thêm Z, T vào cho hấp dẫn!
Mời người nổi tiếng tham gia để “hấp dẫn hoá” câu chuyện
Nếu tự câu chuyện của X là không hấp dẫn, thì cần mời thêm bên nào “xuất hiện” vào câu chuyện đó để mọi thứ trở nên hấp dẫn? Dễ nhất là cứ người nổi tiếng mà… phang! Ông A, bà B là CEO công ty này giám đốc tập đoàn nọ có trăm tỉ ngàn tỉ cũng chưa chắc có ai đó quan tâm, nhưng chuyện Mĩ Tâm yêu ai, cưới ai thì vài triệu người quan tâm đấy!
Một “giai thoại” có thật là trong thời hoàng kim của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, đã có một tờ báo cực kỳ nghiêm túc, không hề lá cải, đăng lên bài báo “Hồ Quỳnh Hương khuyên nên ăn sáng”. Quả tình khi đọc bài báo ấy, chúng tôi (những người làm truyền thông và làm báo) đã phải truyền tay nhau và cười rúc rích. Có người còn chua chát “Sao báo chưa đăng chuyện Hoa hậu Mai Phương Thuý khuyên nên ngủ ở ghế salon?”. Ấy thế mà vài năm sau có bài báo “Ca sĩ Thuỷ Thủ Mặt Trăng ngồi buồn bã bên 3 chiếc ghế” (tên ca sĩ đã được làm mờ vì lý do tế nhị).
Đấy là quyền lực của người nổi tiếng các mẹ ạ! Câu nói kinh điển trong các chương trình đào tạo báo chí sẽ có dạng thế này: Người thường bị chó cắn thì không phải tin (tức), còn Mai Phương Thuý bị chó cắn thì là tin đúng nghĩa. Nhưng, nếu Mai Phương Thuý cắn lại chó, thì tin ấy phải “giật” ngay lên trang nhất!
Nói tóm lại, cứ cái gì dính đến người nổi tiếng, thì cái đó là tin. Mà đã xứng đáng là tin, có đủ giá trị để thành tin, thì nhà báo “đăng rất dễ”. Tôi nhấn mạnh rằng không phải cứ là tin thì sẽ được đăng đâu, nhưng ít nhất là cơ hội để nó được đăng lên là cao.
Vậy, bên thứ 3 cần tham gia vào câu chuyện này là ai thưa các bạn? Vâng, tất nhiên là một hay một nhóm người nổi tiếng nào đó có chỗ đứng nhất định trong showbiz. Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân, Linh Sơn, Hồng Ngọc, Hồ Trung Dũng, Thuỷ Tiên, Công Vinh, Công Phượng… Chú ý, công công thì chịu chết!
Người nổi tiếng sẽ làm gì để “tham gia” vào câu chuyện của doanh nghiệp X?
Cách dễ nhất là mời người nổi tiếng đóng… quảng cáo, nếu không thì làm đại sứ! Nhưng trời ạ, nếu không có gì thay đổi thì đó thực sự là những câu chuyện vô cùng chán. Chán tới mức có rất ít người quan tâm ạ. Và cứ cái gì ít người quan tâm, thì báo chí chẳng bao giờ thèm nhắc tới, trừ khi doanh nghiệp X chấp nhận trả tiền để mua trang quảng cáo.
Thực ra, doanh nghiệp X vẫn có cơ hội được “nhoi” lên báo nếu người nổi tiếng (từ giờ gọi là Y) cực kỳ cực kỳ nổi tiếng. Nổi tiếng tới mức việc Z đóng quảng cáo cũng trở thành sự kiện hay nhức nhối. Thí dụ như cái hồi David Beckham lột đồ khoe hàng đóng quảng cáo quần xì ấy.
Nhưng tựu chung, nếu báo chí có “chẳng may” nhắc đến chuyện ngôi sao Z trúng sô và vật vã 30 ngày đêm để quay quảng cáo, thì họ cũng sẽ chẳng cho doanh nghiệp X có cơ hội được nhắc tên lên mặt báo (chứ mong gì cơ hội được để lại logo). Bởi vì, cuối cùng thì ngôi sao Z vẫn chỉ được quan tâm vì Z… là Z. Những người yêu quý Z họ quan tâm đến Z chứ cũng chẳng quan tâm đến doanh nghiệp X kia đâu. Mà thực ra, tôi nói rất thật lòng, là nếu công chúng không biết Z đang đóng quảng cáo cho X, hay cho X1 hay X2 nào đó, thì cũng có chết bố con nhà nào đâu ạ? Trái đất vẫn quay, và mặt trời vẫn mọc ở đằng đông vào mỗi sáng.
Báo không nhiều diện tích, độc giả thì chẳng muốn thất thời gian vào những gì vô giá trị, nên cái gì “cắt được” thì nhà báo cứ mạnh dạn… cắt luôn! Vậy nên, nếu nghĩ tới việc mời người nổi tiếng tham gia với vai trò quảng cáo hay đại sứ cho thương hiệu, có vẻ như mục đích lên báo của doanh nghiệp X là chưa đạt được như kỳ vọng.
Bên thứ 4 giúp câu chuyện trở nên ý nghĩa
Nếu câu chuyện người nổi tiếng Z chỉ “hấp dẫn” với nhóm đối tượng quan tâm đến Z, thì chúng ta cần phải có một cách nào đấy để biến câu chuyện này trở thành sự quan tâm của toàn xã hội. Muốn làm được điều đó, phải biết xã hội thích gì ngoài… người nổi tiếng? Với số đông (những người thuộc tầng lớp bình dân), thì ngoài vấn đề giải trí (gắn chặt với người nổi tiếng), họ quan tâm đến những thứ rất căn cơ, thiết thực, đó là cơm – áo – gạo – tiền!
Còn với báo chí? Đó là vấn đề từ thiện, “an sinh xã hội”, “chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, nhóm người yếu thế, người có công với Cách Mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng”… Thậm chí, với một số tờ báo, đây không chỉ là vấn đề họ quan tâm, mà là vấn đề họ bị buộc phải quan tâm, phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách không-tự-nguyện.
Vậy nên “bên số 4” cần tham gia vào để câu chuyện trở nên “hấp dẫn và giá trị” chính là các “Ban ngành, đoàn thể”. Đó là Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Trung tâm bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội nạn nhân chất độc da cam, Trung tâm người khuyết tật, Hội người mù v.v…
Như vậy, câu chuyện doanh nghiệp X từ chỗ chỉ là của doanh nghiệp X, sau đó chuyển thành câu chuyện của doanh nghiệp X và những người hâm mộ ca sĩ Z, nay có thể chuyển thành câu chuyện của X, người hâm mộ Z và… toàn xã hội theo công thức:
Câu chuyện của (Doanh nghiệp X + người nổi tiếng Z + Hội T) trên tờ báo Y
Thí dụ:
+ Doanh nghiệp X, mời ca sĩ Z làm đại sứ thay mặt X trao tặng 1000 tuýp kem đánh răng cho trẻ em vùng cao thông qua Hội bảo trợ trẻ em tỉnh T. Đây là một câu chuyện đủ hay ho, hấp dẫn và giá trị để tờ báo Y “rất vui lòng” đăng tải.
Và một yếu tố rất quan trọng của mô hình này là vì Doanh nghiệp X đang chung tay giải quyết một vấn đề của toàn xã hội, nên theo lẽ tự nhiên, người nổi tiếng Z sẽ không được/không nên đòi tiền “quảng cáo”. Hoặc ít nhất, cô ấy hay anh ấy, cũng phải tự “biết điều” mà đòi tiền thật ít, chỉ ở mức tượng trưng thôi.
(Á hậu Trà Ngọc Hằng (Z) mang túi đồ của ConnectShop (X) đi trao tặng cho những người nghèo lang thang kiếm sống ngoài đường (T), được YAN News (Y) đăng tải)
Hoa hậu Mai Phương Thúy (Y) mặc đồ của P&G (X) đi từ thiện, xây nhà, sửa nhà cho các gia đình khó khăn tại TP.Mỹ Tho – Tiền Giang (T) được đăng tải trên Zing, Kenh14 và nhiều tờ báo khác (Z)
Tạm kết
Mô hình 4 bên cùng thắng là mô hình kết hợp của Doanh nghiệp (X), Báo chí (Y) và Người nổi tiếng (Z) nhằm thực hiện một hoạt động đầy ý nghĩa như từ thiện, an sinh xã hội, chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, nhóm người yếu thế, người có công với Cách Mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng (T)… mà qua đó hình ảnh của doanh nghiệp (hoặc sản phẩm, dịch vụ) được nhắc tới một cách tự nhiên, tích cực trên các phương tiện truyền thông mà không tốn quá nhiều chi phí như hình thức quảng cáo thông thường.
Ở các bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách thức làm sao để:
- Tìm được thông tin liên lạc và mời người nổi tiếng tham gia
- Mời được báo chí đưa tin viết bài
- Lựa chọn đối tượng chính sách một cách đúng đắn
- Lập ra bản kế hoạch tổng thể theo mô hình 4 bên cùng thắng và triển khai trong thực tế
Hy vọng các bạn cảm thấy thú vị với bài học đầu tiên này. Mến chúc các bạn nghỉ Tết thật vui và ấm áp.