Please log in or register to do it.

Update: nhiều người hỏi mình đường link đăng ký. Các bạn click vô đây nhen http://ostar.com.vn/news/denhatnongtrai/dangkytracnghiem

Hồi sáng nay có người bên Ostar gọi điện mời mình làm khách mời đặc biệt cho chương trình trải nghiệm thực tế “Nông trại khoai tây”.

Nói ngắn gọn thì Ostar là một nhãn hàng snack khoai tây dành cho giới trẻ. Và để chủ động trong nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào họ đã quyết định đầu tư một trang trại trồng khoai tây trên Đà Lạt.

Theo Ostar công bố thì đây là trang trại khoai tây lớn nhất Việt Nam.

Họ đang tìm kiếm 200 tình nguyện viên trên khắp mọi miền đất nước để tham gia vào chương trình trải nghiệm thực tế trên cái trang trại khoai tây này. Các TNV sẽ đượccùng ăn cùng ngủ cùng làm với các cô chú nông dân trong trang trại, được tìm hiểu các công đoạn từ khi chọn mầm, ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và đóng gói ra sản phẩm snack khoai tây. Tóm lại là được trải nghiệm thực tế từ A đến Z.

Toàn bộ chi phí sẽ do Ostar tài trợ.

Họ nói làm vậy để các bạn trẻ hiểu và tự hào về nền nông nghiệp của Việt Nam. “Chứ không phải mục đích chính là để PR hay quảng cáo” – Ostar giải thích thêm.

Đến khúc này thì mình xin lỗi phải ngắt lời bên Ostar và bày tỏ quan điểm của mình rằng mình không kỳ vọng 200 bạn trẻ ấy sẽ cảm nhận đầy đủ được cuộc sống của người nông dân chỉ sau 3 ngày 2 đêm “cưỡi ngựa xem hoa” (mình nghĩ thế) để mà tự hào cho cả cái nền nông nghiệp to uỵch của nước nhà.

“Nhưng cứ xắn tay vào làm để biết thực tế và cảm nhận được một phần công việc của những người nông dân cũng đã là quá tốt”.

Mình không kỳ vọng các bạn ấy tự hào, nhưng hy vọng các bạn ấy lao động chân tay để mà hiểu, mà thương và đồng cảm với các cô, các chú, các bác nông dân.

Mình đã từng nói với bạn Vy bên Mực Tím về một ý tưởng mà mình đặt tên là “trải nghiệm cuộc sống”.

“Tớ muốn tập hợp được nhiều em học sinh có cuộc sống thật sung sướng và cho tụi nó đi bán khoai nướng, chuối nướng và vé số dạo trong một ngày chủ nhật. Phải cho tụi nó sống trong hoàn cảnh thực tế đó thì tụi nó mới hiểu và thương, rồi kính trọng người ta”.

Ý tưởng này “nhen nhóm” sau một kỷ niệm chẳng lấy gì làm vui vẻ.

Đó là hồi mình còn làm việc ở 11 Trần Quốc Thảo. Có lần cả đám đi ăn cơm bên Trương Định, một đứa em đã hét lên với nhân viên phục vụ “làm cái gì mà lâu thế, bị điếc à?”.

Mình quay qua bảo nó “này, em nghĩ người ta là phục vụ thì em có quyền nói vậy à?”.

Nó bảo “đúng rồi, em nghĩ thế”.

Mình định nói thêm nữa nhưng kịp “hãm” lại kịp thời. Tại vì, cái câu mà mình muốn nói nó hơi bị vô duyên: “Chị gái anh cũng từng đi làm phục vụ đấy em có biết không?”.

Câu này vô duyên ở chỗ mình nhận ra rằng mình cảm thấy rất bực với thái độ của nó chỉ vì nghĩ rằng nó đang xúc phạm chị gái mình, chứ không phải một người nhân viên phục vụ quán.

Nói chung, mình nhìn mọi người phục vụ đều liên tưởng đến chị gái, nên mình sẽ tự nhiên lễ phép và ân cần với họ. Vì mình nghĩ, họ cũng sẽ là chị gái của một đứa em nào đó – như mình. Và nếu họ đi làm phục vụ không phải vì kiếm tiền cho cá nhân họ mà để góp sức cùng bố mẹ lo cho các em ăn học thì khi ấy, bên cạnh “ân cần” và “lễ phép”, họ xứng đạng được nhận thêm cái nhìn “khâm phục” và “kính trọng”.

Mình nghĩ đó là liên tưởng thực tế. Và các liên tưởng thực tế thì sẽ có giá trị hơn những bài học giáo điều và sáo rỗng.

Giống như bài “Chổi tre” dù đã thành công trong việc vẽ lên hình ảnh đẹp long lanh của một cô quét rác “như sắt như đồng” trong “những đêm hè khi ve ve đã ngủ” cũng không ấn tượng bằng một cô quét rác thực tế ngoài đường bịt mặt như ninja đẩy cái xe rác cao hơn đầu người và bốc mùi thum thủm.

Chúng ta có thể dạy bọn trẻ rằng con phải yêu quý các cô quét rác vì quét rác là nghề cao quý làm đẹp cho đời. Kết hợp với đòn roi và các quy tắc về thế nào là con ngoan trò giỏi, mình nghĩ 7/10 đứa trẻ sẽ trả lời “có” khi được hỏi “có yêu quý các cô quét rác không?”.

Và bọn trẻ sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng cách bịt mũi và nhăn mặt khi nhìn thấy cô quét rác bên cạnh cái xe rác “kinh khủng khiếp”.

Nhưng cũng có 1/1000 đứa trẻ sẽ ôm cô quét rác và mân mê bàn tay không được thơm tho lắm của cô.

Nếu cô ấy là mẹ nó. Giống mình.

Bàn tay và những giọt mồ hôi ám ảnh bởi đủ thứ mùi phế thải ấy đã đánh đổi lấy đồ ăn, nước uống, quần áo mặc trên người và sách vở học mỗi ngày. Như thế mới là cao quý. Và thực tế. Vì chắc rất rất hiếm cô quét rác có mong muốn làm đẹp cho đời.

Mình nghĩ tất cả các đứa trẻ được lớn lên bằng sự lao động của những bàn tay như vậy đều thấy kính trọng nghề quét rác. Dù nó không được học bài Chổi tre và thậm chí là không biết chữ.

Đó là lý do mình nói với Ostar rằng mình sẽ nhận lời làm chương trình với họ.

“PR càng nhiều càng tốt, càng đông người chơi càng tốt. Có gì xấu đâu mà phải nói chúng tôi không chủ ý PR”.

Bạn đem lại một giá trị gì đó cho xã hội thì bạn sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng. Bằng tiền, hoặc bằng sự yêu mến hay tin tưởng. Nói chung là “bằng gì” cũng đều tốt cả. Vì 3 bề 4 bên đều có lợi.

Có điều, đã nói thì phải làm cho tới. Mình ghét nhất đơm đặt hoặc làm màu tạo kiểu. Các thành phần như thế không bao giờ mình làm bạn. Vì mình rất sợ bị tổn thương.

Giống như sự việc một số bạn sinh viên lừa đảo trong việc xin tài trợ. Khi nhận ra sự thật, mình không buồn không giận vì tốn tiền vô ích, mà mình chỉ giận vì các bạn ấy làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ cực kỳ tốt đẹp của mình về “những chủ nhân tương lai đất nước”.

Bị lừa lần 1 thì nghĩ không may. Bị lừa lần 2 thì đề phòng. Bị lừa lần 3 thì mất niềm tin. Lần 4 hết bị lừa vì trong đầu đã có sạn. Đến lần thứ 5 thì sự phòng thủ cộng với tư lợi (dù cá nhân hay tập thể) sẽ khiến cuộc chơi trở nên đầy toan tính và thủ đoạn.

Sống mà toàn những toan tính và thủ đoạn như thế thì còn gì đáng sống?

Bạn Vy – khi còn ở Việt Nam – nói rất ủng hộ ý tưởng về chương trình “Trải nghiệm cuộc sống” của mình. Nhưng bây giờ thì bạn ấy đã vi vu qua Mĩ học truyền thông. Nhưng thực ra điều đó cũng không quan trọng. Nghiệm ra, chưa có ý tưởng nào mà mình làm theo kiểu “một đập ăn quan”.

Có cái sau 3 năm, có cái sau 5 năm mới biến nó thành hiện thực được. Hoặc cũng có thể còn lâu hơn thế. Nhưng mình sẽ làm, bằng cách này hay cách khác.

Trải nghiệm thực tế bao giờ cũng tốt hơn chỉ có lý thuyết phải không các bạn?

Một năm, một tháng, hai mươi ba ngày
Điều giản dị

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. xin hỏi ban tổ chức nông dân khoai tây. hiện tại em đang ở đà nẵng em có thể tham gia được không ạ? và thời gian là bao giờ?