Hai ba tháng chạp, mình lóc cóc vác một cành đào rõ đẹp từ Hà Nội vào thành phố.
Đào thì không có rễ, bố thì tính gia trưởng có thừa, lại lỡ miệng nói “mày ngu mà cứ cãi, cành đào cắm đất không sao hết” nên chiều 29 Tết mình chỉ biết im lặng “ngắm” cành đào chết khô ở giữa nhà. Cả nhà biết tính bố nên cũng chẳng ai nói tiếng nào, cứ coi như cái cành cây khô ấy vô hình, không thèm để ý.
Nhớ hôm còn ở ngoài Hà Nội, mẹ gọi phone ra nói “bố con yếu lắm rồi, nhậu suốt giờ bệnh tật đầy người”. Mình tự hiểu câu nói ấy là ẩn dụ của “bố mày sắp chết”. Chắc có người khinh mình bất hiếu nhưng thú thật mình không vui không buồn khi nghe câu nói ấy.
Với một người nghiện rượu lâu năm thì tàn bữa nhậu nào cũng khiến cho người thân cảm giác “không còn sống được bao lâu nữa” thật.
Mình hỏi mẹ, Tết nhất bố con thích cái gì?
“Bố mày muốn có một cành đào chơi Tết”.
Bởi vậy bữa cơm chiều 29, mình thấy rõ nỗi buồn trào lên trong mắt bố.
Không một tiếng thở dài.
Cành cây cũng chết khô không còn lá để mà xào xạc.
Ai cũng ái ngại nhưng phải giả ngó lơ, vì “đào chết” là chữ cấm kỵ, có thể đâm toạc sĩ diện của một “người chủ gia đình”.
Mười một giờ đêm ngày 29, mình chạy xe gần ba mươi cây số lên công viên 23/9 chọn một gốc đào to nhất, đẹp nhất, tươi nhất để mua về. Mấy người ở chợ hoa ồn ào bình luận thằng này dòm quê mùa mà chịu chơi ta. Mình chỉ cười trừ, vì nhiều lẽ.
Xe thồ đi trước, mình lẽo đẽo theo sau. Hoa đào ngược gió rụng rơi lả tả bay đầy mặt. Mỗi một cánh hoa như một giọt máu nhỏ xuống đường, buốt vào tận trong tim. Chạy được chừng cây số, mình chịu không nổi, vượt lên trước nói “chú ơi làm ơn chậm lại, thế này thì chết mất”.
Ông xe thồ quát “đêm hôm tao còn phải về nhà sớm, bông rụng mai mốt nó trổ lại mấy hồi, làm sao mà chết được”.
“Con đâu có lo cây chết, nhưng chú cứ chạy chậm lại dùm, tiền con trả gấp đôi”.
Tiền trả gấp đôi, thêm một xe chạy theo “khuân vác” thì coi như tiền phải trả gấp 3. Nên ông xe thồ chỉ buông một câu “khùng quá”, rồi cũng dằn lòng đi chậm lại.
Về tới nhà đã quá nửa đêm một tiếng, mình mang cành đào chết khô vứt bỏ, nạo đất rồi đánh vật để bưng được cây đào to khổng lồ vào thay thế.
Đang cặm cụi lèn đất, châm nước vào gốc và lau chùi vết bẩn lem ra nhà thì bố thình lình xuất hiện. Mình đã chuẩn bị mọi phương án để trả lời câu chất vấn: đào của tao đâu? Nó đã chết đâu mà mày dám vứt đi như vậy. Nhưng bố chỉ ngồi đó nhìn không nói một tiếng nào.
Mình nín thở vân vê cục đất, cúi gằm mặt vào chậu nước đen xì và chỉ thở phào khi rất lâu sau bố nói “xoay ra đây một tí sẽ đẹp hơn”. Bởi vì với mình, đó là câu “tao chấp nhận”.
Mình chạy ngược về thành phố, nằm vật ra lúc đồng hồ điểm 3.30 sáng. Gần 10h trưa ngày 30 giật mình tỉnh dậy, chạy vội đi đưa quà Tết cho vài người bạn, rồi lại ra chợ mua thêm chậu quất. Về tới Bình Chánh là quá ngọ, mẹ ra đỡ giúp chậu cây thì thầm nói “hôm qua ông ấy ngồi ngắm cây đến gần 5h sáng mới đi ngủ đấy”.
Chỉ nghe vậy thôi, mình đã thấy Tết lấp ló ở cửa thật rồi.
Cách đây vào bữa, có đứa em vô PM tâm sự “ba em nghiện rượu nói hoài không được, Tết mà buồn quá”.
Quả thật làm con cái thì “nói được” làm sao với cha với mẹ? Cứ bằng hết sự chân thành của mình làm hết sức hết lòng những gì có thể, miễn ngày nào còn được thấy nụ cười trên gương mặt mẹ cha thì ngày đó mình vẫn còn có Tết.
Sinh ra trên đời này đâu ai có quyền lựa cha chọn mẹ? Nhưng cách mình đối xử với họ (bất chấp họ “đối xử ngược lại” với mình thế nào) thì em chọn được, em trai ạ.
Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Chỉ cần được nhìn thấy họ, với anh ngày nào cũng vui như Tết, em trai ạ.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long