Truyền thông Xã hội không phải là việc giao tiếp một chiều. Điểm mạnh của nó là phản hồi và đối thoại, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn là “trò chuyện và giao tiếp”. Trong đó, bạn đóng vai trò người nói, fans (nếu mang fanpage ra làm thí dụ) đóng vai trò người nghe.
Có khi ngược lại. Fans đóng vai trò người nói, và bạn lắng nghe fans, trò chuyện cùng với họ.
Để cuộc trò chuyện này có thể diễn ra xuôi chèo mát mái, tốt đẹp hơn, thì 1 trong 4 điểm được Google khuyến nghị người làm truyền thông trên mạng xã hội nên chú ý là VOICE – Tông giọng.
Cố gắng định hình được VOICE càng chi tiết, càng đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt thì càng tốt. Sau đấy, làm cho công chúng mục tiêu hiểu được một cách NHẤT QUÁN về tông giọng bạn đang sử dụng.
Để làm được điều này, người làm truyền thông chỉ cần hiểu sâu sắc về công chúng mục tiêu mình đang hướng tới.
Họ là ai? Bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ? Sở thích của họ là gì? Họ có quê quán ở đâu? Làm việc ở đâu? Đang sống ở đâu? Những trang mạng xã hội khác họ thường tham gia là gì? Những forum, group họ thường theo dõi là gì?…
Một cách ngắn gọn: Nếu bạn thực sự hiểu công chúng mục tiêu, bạn sẽ tìm ra và định nghĩa được VOICE cần sử dụng. Nếu định nghĩa được VOICE cần sử dụng, thông điệp của bạn sẽ được truyền tải đến công chúng mục tiêu một cách hiệu quả.
Tôi có làm một bài trắc nghiệm nhỏ trên group Biệt Đội Trăng Đen, hỏi các thành viên trong đó rằng họ đang sử dụng VOICE gì khi làm content trên fanpage. Tôi tin rằng, tự mỗi người sau khi làm bài test ấy, đã có thể nhìn lại việc làm truyền thông trên mạng xã hội của mình và có sẵn câu trả lời rồi.
Đọc một lượt các comment, tôi thấy có 4 kiểu đáp án như sau:
1) Đã có câu trả lời. Và có thể là do các em đã định nghĩa từ trước khi làm content trên fanpage ===> Chúc mừng
2) Đã có câu trả lời. Và có thể là các em vừa mới nghĩ tới ===> Không sao cả. Nếu biết rằng điều này là quan trọng, thì có thể làm ngay từ bây giờ, chuẩn chỉnh lại VOICE của mình và biến nó thành một quy định khi triển khai content từ hôm nay
3) Không có câu trả lời ===> Không sao cả. Quay trở lại tìm hiểu công chúng mục tiêu, hoặc tự trả lời câu hỏi công chúng mục tiêu mình muốn hướng tới là ai, và cố gắng tìm ra VOICE cần thiết
4) Nói rằng tùy loại hình content, tùy thời điểm mà có những kiểu trò chuyện khác nhau ===> Không sao cả, nếu những kiểu trò chuyện khác nhau này đều nằm trong một “khuôn mẫu”, hay như hình minh họa là “kiểu đồng phục” nào đó. NHƯNG, nó sẽ là có vấn đề, nếu mỗi lúc nói một kiểu đấy nhé cả nhà!
Bây giờ thì, quay trở lại, thêm một lần nữa, hãy trả lời câu hỏi Content trên fanpage của bạn đang giao tiếp với fans bằng tông giọng thế nào?