Vậy là các bạn đã hiểu rõ mô hình “Bốn bên cùng thắng” gồm có Doanh nghiệp (sản phẩm), Báo chí, Người nổi tiếng và Nhóm người yếu thế. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nghiên cứu một tình huống thực tế để biết cách lập kế hoạch truyền thông dựa trên mô hình ZeroME 4WIN này nhé.
Bài toán thực tế
Tôi chuẩn bị khai trương một nhà hàng bán đồ Thái Lan Lặc-Ta-Sặc, tôi cần cho mọi người biết đến sự hiện diện / có mặt / bắt đầu hoạt động của nhà hàng này, tôi phải làm sao?
Tôi có nhiều lựa chọn:
- Đăng quảng cáo lên Google Adwords. Cứ ai search chữ “đồ ăn thái”, “món ăn thái”, “nhà hàng thái”… thì hiện ra thông tin về nhà hàng Thái của tôi
- Đăng quảng cáo lên Facebook. Cứ ai truy cập vào facebook thì nhìn thấy banner quảng cáo Nhà hàng Thái của tôi
- Tổ chức cuộc thi trên Facebook
- Đăng quảng cáo lên mạng quảng cáo hiển thị của Google (Display Ads Networks). Cứ ai truy cập vào các trang web nằm trong hệ thống vệ tinh của Google sẽ thấy banner quảng cáo của tôi
- Đăng quảng cáo lên các mạng quảng cáo hiển thị khác của các nhà cung cấp Việt Nam như Admicro, eClick, Ambient…
- Phát tờ rơi, dán poster, treo băng-rôn… ở ngoài đường
- Mời báo đài đến đưa tin, viết bài phóng sự, bài giới thiệu về quán…
- Đăng quảng cáo lên VTV3, HTV9, TodayTV…
- “Bắn” một nùi tin nhắn quảng cáo đến các số điện thoại, viber, zalo…
- Và nhiều cách khác
Trong thực tế, bạn sẽ phải làm rất nhiều hoặc tất cả các cách thức đã liệt kê. Làm đồng thời, làm đồng bộ, làm quyết liệt trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi khai trương quán. Tôi gọi cách làm như vậy là “Bao vây”, là “Hô to, hô vang và hô đồng thanh”.
Bất chấp ai đó nói với bạn rằng cách này lỗi thời rồi, cách kia đã lên ngôi; cách này tốn tiền mà không hiệu quả, cách kia mới là hiệu quả… Tôi vẫn cứ khẳng định rằng, NẾU BẠN CÓ ĐỦ TIỀN, thì hãy làm hết đi.
Tất nhiên, thực hiện các phương án một cách có chọn lọc thì sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng trong cơn bấn loạn chưa biết phải chọn lọc thế nào thì cứ… làm hết thôi. Không bổ ngang thì bổ dọc, không bổ ngửa đâu mà sợ!
Với mỗi một cách đã liệt kê, muốn làm tốt, bạn còn phải học nhiều. Trong phạm vi của khoá ZeroME 4WIN này, tôi chia sẻ kinh nghiệm cách thực hiện việc số 7 một cách hiệu quả. Các việc khác, các bạn tự làm hoặc đi thuê, hoặc cứ để đấy, từ từ tính tiếp.
Làm sao để lên báo?
Oke, bây giờ chúng ta ngồi xuống và cùng suy ngẫm, làm sao để báo đài đến chụp hình, đưa tin, làm phóng sự về chúng ta bây giờ nhỉ?
Trời ơi đơn giản quá. Thì mời họ tới thôi.
Mà sao mời?
Có số điện thoại không? Có thì alo mời họ tới khai trương. Không có số phone thì gửi tin nhắn qua Yahoo Chat. Không có nick Yahoo, thì lên Facebook tag dzô. Nick Facebook kiếm ở đâu ư? Đi lòng dzòng các group/fanpage mà hóng, thể nào cũng thấy. Số điện thoại đường dây nóng và email liên hệ tràn ngập ở phần hotline toà soạn đó, gọi dzô liền cho nóng.
Gọi ngay, mời ngay, đừng ngại!
Trong thực tế, nếu bạn bằng mọi cách để thực hiện được 1000 cuộc mời gọi thế này (qua email, chat, facebook, sms, gọi điện…), thể nào cũng có cỡ vài chục người nhận lời đến dự khai trương. Tới ngày đó, thể nào cũng có được vài người tới. Và rất có thể, sẽ có 1 bài báo đăng lên.
Tất nhiên đây không phải là cách hay, nhưng nếu chẳng biết phải làm gì khác, thì cứ “quẩy” thôi. Đó là lời khuyên rất thật lòng. Đừng coi nhẹ một vài người phóng viên đến tham dự, và đừng coi nhẹ một vài bài báo, vì hiệu quả thực tế chắc chắn không cao, nhưng đó là một “điểm khởi đầu” thú vị cho các mối quan hệ sau này.
Nhưng vấn đề là, bạn có thắc mắc, tại sao tôi nói rằng dù bạn thực hiện đến cả ngàn cuộc gọi nhưng sẽ chỉ có vài chục người nhận lời đến dự khai trương quán Thái của bạn hay không?
Tại sao chưa hiệu quả?
Không cần phải đoán! Nếu bạn làm thử, chỉ cần qua 3 – 5 cuộc gọi, bạn sẽ có câu trả lời ngay đấy.
(1)
– Alo, chị là phóng viên X của báo Y đúng không ạ?
– Uh, em là ai đấy?
– Dạ em là Mộng Thị Diễm Kiều, bà chủ quán Thái Lặc-Ta-Sặc. Sắp tới quán em…
– Sao em có số của chị đấy?
– …
(2)
– Alo, chị là phóng viên U của báo T đúng không ạ?
– Uh, em là ai đấy?
– Dạ em là Mộng Thị Diễm Kiều, bà chủ quán Thái Lặc-Ta-Sặc. Sắp tới quán em…
– Bên chị không “đi” được mấy tin dạng này đâu em nhé. Chào em.
– …
(3)
– Alo, chị là phóng viên T của báo V đúng không ạ?
– Uh, em là ai đấy?
– Dạ em là Mộng Thị Diễm Kiều, bà chủ quán Thái Lặc-Ta-Sặc…
– Uh có gì không em? Vào thẳng vấn đề em nhé, chị đang bận lắm.
– Dạ, sắp tới quán em khai trương, em tính mời chị qua đưa tin.
– Uh, quán đó có gì đặc biệt không em?
– Dạ có. Quán em có đồ ăn Thái, có đồ uống, có nhân viên, có cái bàn cái ghế, có con chó con mèo, có chai nước tương, có bình nước đá, có con cá, có con gà…
– Lộn số em ơi
Bạn đã hiểu vấn đề rồi đúng không?
Đầu tiên là, bạn không có sẵn mối quan hệ với phóng viên. Người ta không biết bạn là ai, nên người ta không quá quan tâm đến vấn đề bạn nói. Tiếp theo nữa, câu chuyện (nhà hàng) của bạn không có gì đặc biệt, nó cứ nhẹ nhàng thoang thoảng, bình thường như cân đường hộp sữa, không có gì giật gân câu khách, chẳng ảnh hưởng đến ai, đếch xi nhê gì đến hoà bình thế giới… ĐÓ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN KHÔNG HẤP DẪN VỚI NGƯỜI ĐỌC, VÀ VÌ THẾ, NÓ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN VÔ GIÁ TRỊ VỚI PHÓNG VIÊN VÀ TOÀ SOẠN.
Để mọi thứ hiệu quả hơn
Áp dụng mô hình ZeroME 4WIN, chúng ta sẽ đưa yếu tố người nổi tiếng vào để câu chuyện thêm hấp dẫn và mang đến giá trị cho một nhóm người yếu thế để câu chuyện thêm ý nghĩa. Với chú ý rằng, nếu đọc đến đây bạn cảm thấy hơi “lợn cợn” thì cần giải toả suy nghĩ “lợi dụng” trước khi tiến hành bất cứ điều gì.
Chúng ta không lợi dụng bất cứ ai trong cách thức truyền thông thế này. Chúng ta không lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng, không lợi dụng báo chí và càng không lợi dụng người yếu thế. Cái chúng ta làm, là liên kết thế mạnh của 3 bên còn lại, mang tới giá trị cho họ và hệ quả của việc đó là chúng ta được PR một cách tự-nhiên-tất-yếu.
Sự lựa chọn phù hợp
Nên chọn nhóm người yếu thế nào để giúp đỡ? Nên chọn người nổi tiếng nào để hợp tác và nên chọn cơ quan báo chí nào để đồng hành? Trả lời một câu đã khó, trả lời 3 câu thì khó gắp 9 lần (chứ chẳng phải gấp 3 đâu nhé). Nhất là khi chưa có kinh nghiệm, bạn rất dễ bị rối. Tôi sẽ đưa ra một vài câu hỏi gợi ý để cho bạn “tìm thấy đường đi” nhé.
1- Sản phẩm dịch vụ của bạn hướng tới đối tượng CHÍNH nào? Trả lời: tôi bán đồ ăn Thái cho dân văn phòng, nhóm nam nữ từ 22 – 35 tuổi, thu nhập trung bình khá sống ở TpHCM.
2.1- Ngôi sao nào có ảnh hưởng, có sức hút với nhóm đối tượng đó? Trả lời: nhiều lắm, liệt kê dài dài luôn, tôi chỉ liệt kê một vài trong số đó: Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Quyền Linh, Ngọc Diễm, Mỹ Lệ, Diễm Hương, Tú Vi, Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Hương Giang, Ngọc Anh, Xuân Lan, Trương Ngọc Ánh, Ngọc Kim, Minh Hằng, Phan Anh, Lê Quang Hoà, Hiếu Hiền, Hồng Vân, Kim Hiền… Trả lời tiếp luôn, danh sách này ở đâu ra? Họ là những nhân vật tôi vừa mới vào trang Hậu Trường của ngoisao.net lọc ra dùm bạn đấy. Bạn cũng có thể tham khảo các nhân vật xuất hiện trên nhiều trang quen thuộc của dân văn phòng khác như Eva, 24h, VnExpress, Dantri, Phunutoday, Webtretho…
2.2- Ngôi sao này có cần được PR miễn phí không? Về nguyên tắc thì câu trả lời luôn là CÓ. Thật khó để bất cứ ngôi sao nào từ chối nếu bạn khẳng định với họ rằng, hãy tham gia chương trình này với tôi, bạn sẽ được xuất hiện lên vài chục tờ báo lớn nhỏ ngay lập tức. Nhưng, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chọn một nhân vật mà tần suất xuất hiện của họ thời gian gần đây có phần giảm đi một chút. Như vậy, họ sẽ đỡ chảnh hơn, và việc đề nghị hợp tác của bạn cũng sẽ đỡ vất vả hơn. Thí dụ như Ngọc Diễm, Mỹ Lệ, Hương Giang… là những gợi ý hay.
3.1- Tờ báo nào có đối tượng đọc giả trùng với đối tượng khách hàng tiềm năng mà chúng ta nhắm tới? Trả lời: Ngoisao.net, Dantri, Zing, 2Sao, Eva, 24h, Phunutpday, Kiến Thức, Giáo Dục, Tiếp Thị Gia Đình, Thế Giới Gia Đình, Gia Đình Việt Nam, Gia Đình Xã Hội v.v…
3.2- Tờ báo đó có “dễ dàng” để tham gia vào các chương trình hợp tác thế này không? Trả lời: câu này khó! Những tờ có tên tuổi như VnExpress, Ngôi Sao, 24h, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… thì thường sang chảnh. Nhất là khi không có thêm quan hệ, theo nghĩa trong sáng, tức là có người quen làm phóng viên, trưởng ban trong đó thì hợp tác “tay đôi” có vẻ hơi khó. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn là nên chọn một tờ báo “vừa sức” để làm thử trước cho quen. Còn tay không bắt giặc mà đòi bắt giặc tàu ngay thì có thể làm bạn mau nản chí. Thí dụ có thể chọn tờ Phụ Nữ Tương Lai chẳng hạn (chú ý, để khỏi tờ báo nào bị buồn vì đánh giá là “không hoành tráng” nên tôi bịa đại ra tên một tờ báo không có thật).
4- Nên giúp đỡ nhóm người yếu thế nào? Trả lời: nhóm nào cũng được, nhưng đừng là “người nghèo” vì như thế rất chung chung. Bạn có thể nhắm tới một nhóm nào đó thật đặc thù. Thí dụ “Mở tiệc đãi món Thái cho nghệ sĩ già, neo đơn” (thay vì người già nghèo khổ nói chung), “Mở tiệc cho trẻ em đường phố có H (HIV)”, “Tặng quà cho những người chuyển giới bị ngược đãi”, v.v… Bạn có thể tham khảo trang web này http://goo.gl/crx5y4 để có cái nhìn bao quát về các “nhóm người” rất đặc biệt mà bạn có thể giúp đỡ. Thí dụ, tôi có thể chọn “Chiêu đãi nghệ sĩ già, neo đơn” (tìm hiểu thêm tại link này http://goo.gl/AZYTzP).
Kế hoạch sơ bộ
Như vậy, kế hoạch sơ bộ của chúng ta sẽ như sau: Kết hợp với tờ báo Phụ Nữ Tương Lai và hoa hậu du lịch Ngọc Diễm, thực hiện chương trình Nấu đồ ăn Thái cho các nghệ sĩ già neo đơn ở “Nhà dưỡng lão nghệ sĩ” để truyền thông cho sự ra mắt của quán ăn Thái Lặc-Ta-Sặc.
Kết quả sơ bộ giống như tấm hình phốt-tờ mà tôi đã photoshop ra để các bạn dễ hình dung. Tất nhiên trong thực tế, mọi thứ đều có thể thay đổi. Bạn có thể không mời được Ngọc Diễm, cũng chẳng hợp tác được với Phụ nữ Tương lai. Không sao hết, mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng “cái khung” là như vậy. Không chệch được đi đường nào nữa.
Công việc tiếp theo là chúng ta phải biến cái ý tưởng sơ khai này trở thành một kế hoạch. Không, phải là một kế hoạch khả thi và đầy hấp dẫn. Khi ấy, lo gì không mời được báo chí và người nổi tiếng cùng ngồi lại, phải không các bạn?
Tôi xin tạm dừng ở đây và hẹn mọi người vào bài học tới: cách viết thư ngỏ mời người nổi tiếng và người có ảnh hưởng tham gia vào chiến dịch truyền thông với chi phí 0đ.